Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
KINH TẾ, XÃ HỘI
Giao thông hỗn loạn, tê liệt vì thiếu đồng bộ: Tìm giải pháp từ công nghệ giao thông thông minh (20/11/2020)

Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM ngoài việc triển khai hệ thống giao thông công cộng (metro và xe buýt), cần phải giải quyết nhiều vấn đề như: Đồng bộ hoá và nâng cao chất lượng hệ thống vận tải công cộng phục vụ người dân, hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển hệ thống giao thông thông minh…

giao thong hon loan te liet vi thieu dong bo tim giai phap tu cong nghe giao thong thong minh Cần một giải pháp thông minh để giải quyết nạn tắc đường ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Đường sắt đô thị - cứu cánh ách tắc giao thông

Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông (Trường ĐH GTVT) - Ths Vũ Anh Tuấn cho rằng, theo tính toán tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân khoảng 10%/năm và tốc độ tăng trưởng cơ sở hạ tầng dưới 1%/năm do đó việc ùn tắc tại các đô thị là đương nhiên. Để giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM, phương án tối ưu nhất là triển khai xây dựng hệ thống metro (tàu điện đô thị). Nhưng đến nay sau gần 10 năm triển khai vẫn chưa có một tuyến đường sắt đô thị nào được đưa vào khai thác. Do đó, ùn tắc giao thông là tại đô thị là đương nhiên và sẽ không có bất kỳ một giải pháp nào giải quyết được vấn đề này. Cùng với đó, giao thông sẽ tăng dần theo thời gian vì dân số, hệ số đi lại và phương tiện ngày một tăng lên. Trong khi không gian mở rộng đường cũng chỉ có giới hạn nhất định.

Nhưng cũng không thể chỉ đưa Metro vào hoạt động là giải quyết được vấn đề ùn tắc mà song song với đó cần phải giải quyết nhiều vấn đề như: Đồng bộ hoá và nâng cao chất lượng hệ thống vận tải công cộng phục vụ người dân; xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân (hạn chế sử dụng chứ không hạn chế sở hữu); cùng đó phát triển hệ thống giao thông thông minh, xây dựng các trung tâm điều hành và trang thiết bị ngoài hiện trường… Bên cạnh 3 giải pháp chủ đạo trên cũng nhiều giải pháp bổ sung như thể chế chính sách và luật.

Theo các chuyên gia về giao thông, hơn 10 năm trước, Hà Nội đã xây dựng giải pháp tổ chức giao thông như xây dựng giải phân cách mềm và thay đổi giờ học, giờ làm việc để tránh ùn tắc… nhưng chỉ là những giải pháp hỗ trợ chứ không phải là giải pháp chủ đạo để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông đô thị. Trước đây, Hà Nội đã có những tuyến tàu điện chạy xuyên tâm thành phố, từ hồ Hoàn Kiếm đi Hà Đông, Cầu Giấy, Chợ Mơ. Nhưng hơn 20 năm nay, hệ thống này đã dừng hoạt động. Và đến những năm 2000, khi ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng, Chính phủ, rồi thành phố Hà Nội mới xây dựng quy hoạch, lập dự án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện ngầm, nổi.

Cùng đó, theo quy hoạch đến năm 2030, TPHCM sẽ xây dựng 8 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên để nối các trung tâm chính của thành phố. Cùng đó là 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt một ray (monorail). Theo TS Phạm Xuân Mai, Giảng viên Đại học Bách Khoa TPHCM, đối với một thành phố có đến 10 triệu dân như TPHCM, hệ thống metro là chìa khóa để giải quyết bài toán giao thông đô thị đang ngày càng nhức nhối. Metro sẽ là “xương sống”, còn xe buýt sẽ là các mạng lưới kết nối với nhau tạo thành hệ thống giao thông công cộng liên hoàn, thông suốt.

Tuy vậy, trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, trong vòng 10 năm tới, TPHCM khó có thể hình thành nên các tuyến metro, tramway hoàn chỉnh như quy hoạch. Bởi thực tế hiện nay, tuyến metro số 1 đã lùi thời gian hoàn thành đến 2021; tuyến metro số 2 lùi đến năm 2026. Tuyến metro số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc) đang xin chủ trương đầu tư. Các tuyến khác đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, xe buýt vẫn là phương tiện giao thông công cộng chủ lực trong thời gian này.

Theo TS Nguyễn Xuân Thuỷ (chuyên gia về giao thông), cần phải tính toán kỹ các phương án tổ chức giao thông từ hệ thống đèn tín hiệu. Cùng với đó, từ nhiều năm nay Hà Nội đã ra quy hoạch đường sắt đô thị nhưng đến nay người dân vẫn chưa được hưởng 1km nào và hiện nay xe buýt vẫn đóng vai trò chủ lực để giảm ùn tắc giao thông. Do đó, cần phải dồn lực để đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị và các tuyến metro đang triển khai. Đồng thời, phải có sự điều chỉnh lại mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị hiện nay. Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, một thành phố chỉ có thể có giao thông đô thị văn minh, lành mạnh và hiện đại khi khoảng 60% người dân của thành phố đó sử dụng các phương tiện vận tải công cộng. Do đó, muốn giảm ách tắc và phát triển giao thông đô thị phải lấy vận tải công cộng làm trung tâm.

Các chuyên gia cho rằng, song song với việc phát triển hệ thống giao thông công cộng cũng cần đẩy nhanh tiến độ di chuyển các cơ quan hành chính, trường đại học ra xa trung tâm, phát triển các đô thị vệ tinh hiện đại, phát triển mạnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, làm việc qua mạng; phân làn giao thông ở mọi tuyến, hiện đại hóa quản lý giao thông, nghiêm chỉnh đảm bảo chất lượng cấp bằng lái xe, kiểm định nghiêm túc chất lượng xe định kỳ; kiểm định chất lượng xăng dầu; nâng cao phẩm chất Cảnh sát giao thông…

Phát triển giao thông thông minh

Theo thống kê hiện TPHCM có trên 8 triệu ôtô và xe máy đăng ký lưu hành, chưa tính hơn 1 triệu xe từ các tỉnh hằng ngày lưu thông trên địa bàn. Trong khi đó, vận tải hành khách công cộng tuy được phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân (chiếm khoảng 9%) và chưa có các phương thức vận chuyển khách khối lượng lớn như metro, xe điện một ray đi trên cao (monorail), xe buýt nhanh BRT… Những giải pháp công trình như xây cầu, mở rộng đường cũng không còn phát huy hiệu quả khi hạ tầng giao thông gần như quá tải với mật độ phương tiện giao thông dày đặc.

Theo Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) - ông Ngô Hải Đường - trước áp lực giao thông ngày càng lớn, việc phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giải quyết bài toán giao thông tại TPHCM bên cạnh các giải pháp như phát triển giao thông công cộng, đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ.

Do đó, từ đầu năm 2019, TPHCM đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông thông minh đầu tiên của cả nước. Trung tâm thực hiện các chức năng: điều khiển đèn tín hiệu; giám sát và cung cấp thông tin giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm. Cùng đó, Trung tâm chia sẻ dữ liệu của 817 camera giám sát toàn thành phố, các sự cố trên đường như tai nạn, ùn tắc, va chạm...; kịp thời thông tin cho cảnh sát giao thông, thanh tra và các đơn vị quản lý hạ tầng để phối hợp xử lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Nhờ hệ thống điều hành giao thông thông minh, việc giải quyết ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái thời gian qua đã tốt hơn so với cách làm cũ phải bố trí từng cảnh sát giao thông tại từng chốt đèn. Ví dụ ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cần ưu tiên cho một phái đoàn ngoại giao di chuyển, ngay lập tức các kỹ sư từ trung tâm quan sát camera sẽ điều chỉnh “làn sóng xanh” đèn tín hiệu giao thông trên toàn tuyến đường nên xe di chuyển nhanh hơn. “Thông qua hệ thống giao thông thông minh, khi xảy ra sự cố giao thông, trung tâm sẽ phối hợp với các lực lượng và chỉ cần khoảng 5 phút là cảnh sát giao thông đã có mặt để giải quyết vụ việc, từ đó tránh được nguy cơ gây ra ùn ứ, kẹt xe rất nhiều” - ông Đường nói.

Theo TS Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM), trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là ở các trục cửa ngõ TPHCM như đường Trường Chinh, Cộng Hòa (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), xa lộ Hà Nội, QL13 (quận Thủ Đức)... có tình trạng buổi sáng vào giờ đi làm hàng đoàn xe nối đuôi nhau vào thành phố trong khi hướng ngược lại thì đường trống. Buổi chiều khi tan sở thì ngược lại.

Từ đó, ông Cương đề xuất TPHCM nên áp dụng giải pháp là thay vì đặt dải phân cách cố định đã cho đặt dải phân cách di động: Buổi sáng cho mở rộng phần làn đi ra, buổi chiều lúc tan sở thì phân làn ngược lại. “Với công nghệ hiện đại bây giờ, một con đường 2+2 làn có thể biến thành 3+1 trong giờ này và 1+3 trong giờ khác. Kết quả là diện tích lưu thông tăng gấp rưỡi và tốc độ lưu thông tăng ít nhất gấp đôi. Vốn đầu tư cho giải pháp này ít mà vẫn khai thác hiệu quả tài sản hạ tầng giao thông hiện có” - ông Cương nhấn mạnh.

 

Theo Laodong.vn

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: